Nguồn gốc Kazoku

Sau cuộc Minh Trị Duy Tân năm 1868, các công gia (公家, kuge) - tức những gia đình công khanh triều đình Thiên hoàng ở kinh đô Kyoto - đã lấy lại được phần nào địa vị đã mất do sự thống trị của các dòng họ Mạc phủ suốt nhiều thập kỷ. Một số lớn công khanh trong triều đình đóng vai trò quyết định trong việc lật đổ Mạc phủ Tokugawa, và chính quyền Minh Trị non trẻ đã bổ nhiệm những công khanh này đứng đầu cả bảy cơ quan hành chính mới thành lập.

Các phiên phiệt nhanh chóng tiến hành các cải cách theo lối Âu hóa, họ gộp chung địa vị của các công gia với các lãnh chúa đại danh cũ thành một giai cấp quý tộc mang tên là Hoa tộc vào ngày 25 tháng 7 năm 1869, công nhận rằng các công gia và các cựu đại danh là một tầng lớp xã hội khác biệt so với các tầng lớp xã hội khác như sĩ tộc (võ sĩ) và bình dân (heimin). Itō Hirobumi (Y Đằng Bác Văn), một trong những tác giả chính của bản Hiến pháp Đế quốc Nhật Bản dự định lấy các quý tộc mới này làm bức tường chính trị và xã hội cho việc "phục hồi" uy quyền của Hoàng gia và thể chế triều đình Nhật Bản. Vào lúc đó, tổng cộng các công gia và cựu lãnh chúa đại danh bao gồm 427 gia đình.

Tất cả các thành viên của hoa tộc không nhậm chức tại các tỉnh ban đầu có nghĩa vụ phải ở lại thủ đô Tokyo. Cho đến hết năm 1869, hệ thống lương hưu được áp dụng, dần dần thay thế các hoa tộc khỏi vị trí thống đốc các tỉnh và lãnh đạo chính phủ. Nguồn thu nhập được chính quyền đảm bảo này cuối cùng được thay thế bằng trái phiếu chính phủ